Trong ngành giải trí, phim ảnh Hàn Quốc đã lấy đi nước mắt của biết bao người, già có, trẻ có, đã đóng đinh vào lòng họ những ám ảnh không nguôi. Văn học Hàn cũng thế. Tôi đã từng khóc như mưa khi đọc Bố con cá gai, từng bị bức bối, mệt mỏi đè nặng khi đọc Một trăm cái bóng, Hãy chăm sóc mẹ… Nhưng có lẽ, “Bản chất của người” là cuốn sách tổng hòa tất cả những điều đó. Tác phẩm quyện hòa nỗi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, sự bất lực, lo lắng, sợ hãi, kinh hoàng, ám ảnh… Tác phẩm là một cái xoáy nước ùng ục cuốn ta chìm vào muôn vàn cảm xúc khác nhau, khó lòng mà ngoi lên được.
Tâm thế của tôi khi bước vào tác phẩm là một người bộ hành lạc vào khu rừng đêm, tôi mò mẫm tìm hướng đi vì mọi thứ cứ lờ mờ, lộn xộn, khó hiểu do cách kể đảo ngược trật tự tuyến tính, và vì thế tôi càng tò mò vì những điều đang diễn ra. Mở đầu cuốn sách là không gian u ám của những cái chết liên tục. Lần hồi bước đi trong đêm đen, tôi cũng đã vào trung tâm của sự kiện: Phong trào dân chủ Gwangju 1980 tại Hàn Quốc. Từ ngày 18 đến ngày 27 tháng 5, năm 1980, người dân Gwangju đã chống lại sự độc tài của tướng Chun Doo-Hwan và nắm quyền kiểm soát thành phố. Nhưng phong trào bị đàn áp dã man. Han Kang đã phần nào tái hiện lại những diễn biến của phong trào này bằng cái nhìn đầy cảm thông, thương xót đối với những cái chết bi thảm của biết bao người dân.
Tất cả những sự kiện, những nỗi đau, những kinh sợ hiện lên rất thật vì tác giả không để mình là nhân vật xưng tôi kể lại hết toàn bộ câu chuyện. Nữ văn sĩ đã để các nhân vật tự kể lại, tự bộc bạch tâm sự, phơi bày nỗi lòng và tái hiện lại những thảm khốc mà họ nếm trải và chứng kiến: Từ những người con sống cho đến cả hồn ma. Những mốc thời gian do đó mà chồng chéo lên nhau, các sự kiện không khớp theo trật tự thông thường nhưng nếu xâu chuỗi lại, tôi có thể thấy rõ mồn một những bi thảm trong sự kiện này. Việt Nam cũng từng bị thảm sát, từng bị đầu rơi, máu chảy nhưng kẻ chĩa súng, quăng bom là bọn ngoại bang, còn ở đây, chính người Hàn giết hại người Hàn. Có lẽ vì thế mà nỗi đau càng dâng lên gấp bội phần. Những con người sinh động liên tục biến thành những cái xác bất động. Xác của họ bị chất đầy trong bệnh viện, nhà thi đấu, đến lúc chết, họ cũng chẳng được yên nghỉ mà chen chúc trong một biển quan tài đặt san sát nhau, mùi xú uế bốc lên nồng nặc, những tử thi mắt toác, mặt sâu hoắm vết chém đang phân rã từng phần mà chưa có người thân đến nhận. Những cái chết đã được Han Kang diễn tả rất thực như chiếc lưỡi lam bén ngót cắm sâu vào tim tôi. Nhà văn còn làm nỗi đau đó dâng lên cực điểm, tái tê đến uất nghẹn khi để cho hồn ma lên tiếng: Một thiếu niên nhìn thân hình không còn cựa quậy sự sống của mình bị phân hủy, lúc nhúc dòi bọ và bàng hoàng về những gì đã xảy ra. Những câu nghi vấn, những băn khoăn, xúc động của nhân vật làm tim tôi tái tê. Tác giả quá tuyệt vời khi biết cách nắm lấy sợi dây cước để điều khiển con diều cảm xúc của người đọc.
Người chết là hết, xương cốt họ cũng thành tro bụi. Còn người sống thì sao? Những người biểu tình bị bắt, có khi chỉ là học sinh cấp hai, cấp ba mà cũng bị tra tấn dã man. Han Kang qua lời của các nhân chứng sống mà kể lại những tàn bạo, nhẫn tâm của chính quyền. Những cái đá, cú đạp đến bất tỉnh, những cái chọc sâu vào khe móng tay, móng chân cũng không ghê gớm bằng cách chúng để kiến cắn vào hạ bộ một đứa trẻ mới mười mấy tuổi suốt 3 tiếng đồng hồ, hay chọc cây thước 30 cm mấy chục lần vào tử cung một cô gái đương xuân, rồi dùng báng súng làm dập nát cả cửa mình của cô… Còn bao nhiêu điều tàn nhẫn nữa mà những trang giấy mỏng chẳng thể nào lột tả hết được?
Từ những tội ác đầy rẫy như mây trời, nhà văn đã đặt ra những câu hỏi về bản chất con người “Có phải con người là một sinh vật tàn nhẫn từ trong bản chất?… Có phải chúng ta chỉ đang sống trong ảo tưởng về phẩm giá con người, còn thực ra bất cứ lúc nào, chúng ta cũng có thể biến thành một thứ chẳng là gì cả, thành sâu bọ, thành thú vật, thành một đống mủ dịch lẫn lộn?”. Ngay khi cuốn sách khép lại, những câu hỏi đó vẫn mãi làm tôi day dứt. Câu hỏi tu từ như một lời khẳng định của tác giả có nét tương đồng với quan niệm của nhà Nho, nhà tư tưởng Trung Hoa thời cuối Chiến Quốc: Tuân Tử. Ông quan niệm “Nhân chi sơ tính bản ác”, do đó, phải cần có “lễ” để điều chỉnh, sửa đổi bản tính đó của con người. Nhưng theo tôi, dù bản tính là thiện hay ác, hành động của con người cũng phụ thuộc rất nhiều vào giáo dục, vào chính lương tâm của con người. Ta phải sống sao cho lấp đi cái ác, để cái thiện được phô bày.
Mỗi người sẽ có những suy nghĩ khác nhau về vấn đề được đặt ra nhưng tôi tin chắc rằng, các bạn sẽ phải rưng rưng, phải xót xa trước tấn thảm kịch được dựng lại thấm đẫm giá trị nhân văn. Đồng thời, tôi tin rằng: tác phẩm chắn chắn sẽ để lại dư âm trong tâm trí người đọc bởi chất văn mượt mà, cách quan sát và cảm nhận sâu sắc, cùng trái tim ăm ắp yêu thương của tác giả.
Nguồn: https://www.facebook.com/groups/hoiyeusachtn/permalink/2496585670669254/
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.